Nền tảng Telehealth – Giúp bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân từ khoảng cách hàng trăm km lọt top đề cử WeChoice Awards 2020

Nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth

Tháng 4/2020, khi cả nước vẫn đang trong cao điểm chống COVID-19, một hệ thống khám chữa bệnh từ xa mang tên Telehealth đã chính thức ra đời, biến mong muốn nói trên thành sự thực. 

Nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth

Được phát triển bởi Viettel Solutions (thành viên Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel), Telehealth ra đời với mục đích đầy nhân văn sâu sắc, vốn cho phép người bệnh ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, rút ngắn khoảng cách giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí ăn ở, di chuyển.

Cho đến nay, Telehealth đã kết nối tới hơn 1.100 điểm cầu với bốn bệnh viện hạng đặc biệt bao gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cùng 27 bệnh viện tuyến trên trong toàn quốc.

“Cánh tay thứ ba” của bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân từ xa

Nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth do Viettel phát triển gồm 3 nhóm ứng dụng: Nhóm theo dõi từ xa, Nhóm tương tác thời gian thực và Nhóm lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh.

Nhóm theo dõi từ xa cho phép theo dõi các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân thông qua các thiết bị công nghệ gắn trên người để theo dõi sức khỏe, hỗ trợ hiệu quả quản lý các bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, tiểu đường.

Nhóm tương tác thời gian thực giúp người bệnh có thể trao đổi, tương tác trực tiếp với bác sĩ và được tư vấn chuyên môn từ xa với bác sĩ chuyên khoa.

Nhóm lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh cho phép kết nối tất cả dữ liệu từ nhiều loại máy chụp chiếu kỹ thuật số, dùng công nghệ xử lý, nén ảnh, lưu trữ và truyền tải hình ảnh đặc biệt do các kỹ sư Việt Nam xây dựng để chuyển dữ liệu hình ảnh đến bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán từ xa.

“Một bác sĩ đang có hai tay, sẽ có thêm cánh tay thứ ba là Telehealth. Nó không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế” – PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – chia sẻ trong một bài phỏng vấn tại buổi hội chẩn trực tuyến đầu tiên

Chữa bệnh từ khoảng cách xa hàng trăm km

Trên thực tế, không ít ca phẫu thuật phức tạp tại các bệnh viện tuyến dưới đã được ê-kíp cách nhau hàng trăm km thực hiện thành công.

Có thể kể đến một trường hợp một bệnh nhi 55 tháng tuổi đã được mổ tim thành công vào tháng 8/2020 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ nhờ sự ‘giúp sức’ của các bác sĩ tại Bệnh viện tim Hà Nội. Sau đó một tháng, các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cũng đã hỗ trợ phẫu thuật từ xa cho một bệnh nhân 60 tuổi bị viêm túi mật do sỏi mật ở Quảng Ninh.

Cả 2 cuộc phẫu thuật này đều sử dụng công nghệ 3D – công nghệ mới nhất giúp thầy thuốc nhìn qua hệ thống hình ảnh mà như đang đứng trong phòng mổ. Theo đó, toàn bộ hình ảnh tại phòng phẫu thuật được truyền trực tiếp về để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí từng bước qua hệ thống Telehealth của Viettel. Bằng việc tích hợp công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại, công nghệ kết nối vạn vật kết hợp đường truyền tốc độ cao, Telehealth có khả năng xử lý theo thời gian thực, đảm bảo độ chính xác cao cho các ca phẫu thuật từ xa.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Viettel Solutions, trong thời gian tới, Viettel sẽ đưa các ứng dụng công nghệ mới vào hệ thống khám chữa bệnh từ xa như trí tuệ nhân tạo AI trong việc chẩn đoán hình ảnh, chỉ ra những bệnh án thường gặp, hạn chế rủi ro; ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu BigData giúp bác sĩ đưa ra quyết định dựa trên lịch sử hàng nghìn các bệnh án trước.